Cách giao tiếp hay nhất là phải làm gì?

Giao tiếp với người khác là việc không tránh khỏi. Đặc biệt, trong công việc mọi người thường xuyên trao đổi với cấp trên, đồng nghiệp và cũng vì thế mà cần thiết phải có cách giao tiếp hay. Bởi có tài giỏi đến đâu mà “gu” nói chuyện dở cũng thành thất bại. Vậy những ai rơi vào trường hợp này thì khắc phục như thế nào?

Xác định nội dung cuộc giao tiếp

Chủ đề giao tiếp: Chúng ta cần xác định chủ đề của cuộc giao tiếp là gì để không bị lạc đề tài trong câu chuyện. Cũng như mọi người cần chuẩn bị nội dung mà mình cần trình bày, các câu mà người khác có thể hỏi.

Hình dung ra diễn cảnh của cuộc giao tiếp: Sự tưởng tượng này giúp bạn hình dung ra diễn biến của câu chuyện với một đối tượng nào đó. Và như thế sẽ lường trước mọi việc có thể xảy ra giúp chúng ta tự tin hơn, đỡ lo lắng hay e ngại.

Thái độ trong cuộc giao tiếp

Sự chân thành: Đây luôn là điểm cộng tuyệt vời trong các cuộc giao tiếp. Và dù bạn có là người ít nói, rụt rè hay mờ nhạt trước mọi người nhưng khi bạn có sự chân thật và thẳng thắn, luôn dùng lời lẽ mộc mạc, giản dị thì dễ nhận được sự cảm mến của nhiều người.

Thân thiện, cởi mở và điềm tĩnh: Những từ ngữ này cần được thể hiện mỗi khi gặp gỡ ai đó. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào bạn cũng nên giữ trạng thái tốt nhất để giao tiếp bởi sự thân thiện giúp mọi người gần gũi nhau, sự cởi mở tạo nên không khí trò chuyện thoải mái, sự điềm tĩnh để giữ trạng thái cảm xúc, làm chủ cuộc giao tiếp.

Đặc biệt, nụ cười luôn là “vũ khí” lợi hại nhất giúp người khác yêu thích bạn và không thể thiếu trong mọi cuộc giao tiếp. Cùng với đó là cần có một thái độ sống tích cực, lạc quan yêu đời để truyền năng lượng tích cực cho những người xung quanh.

Cách giao tiếp hay là coi trọng giá trị của nhau

Người có hiểu biết: Những người xung quanh thường bị lôi cuốn vào những lĩnh vực mà họ quan tâm bởi một người có hiểu biết ở lĩnh vực ấy. Vì thế, bạn có thể trau dồi kiến thức để trở thành người uyên bác và tạo nên cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa, hấp dẫn.

Thiết lập mối quan hệ: Chúng ta thường nhận ra rằng, việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với một người nào đó rất cần thiết khi gặp những khó khăn cần nhờ vả. Do vậy, hãy gìn giữ mối quan hệ với bất kỳ ai.

Tạo ra nét tương đồng: Chắc hẳn bạn sẽ bị thu hút và gần gũi bởi một người có những tính cách và sở thích giống mình. Vậy nên, hãy khai thác các thông tin xung quanh của ai đó để tìm ra “gu” chung với họ.

Nói lời khen ngợi: Bạn hãy dành những lời khen ngợi chân thành, đúng lúc, đúng chỗ để làm hài lòng người khác. Nhưng không nên nói quá nhiều bởi những lời khen không khéo sẽ trở nên giả tạo hay sáo rỗng.

Những lưu ý khi giao tiếp

Ngôn ngữ: Giọng nói và ngôn ngữ thể hiện trong giao tiếp là điểm thu hút nhất để tạo nên cuộc trò chuyện thành công. Bạn cần phát âm rõ ràng, tránh ậm ừ. Lời nói cần sự tự tin, quyết đoán và không nói vòng vo. Đôi khi cần thể hiện ngôn ngữ hình thể để tạo điểm nhấn trong câu chuyện.

Nhờ vả người khác khi cần: Trong công việc, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn mà có lúc cần thiết để nhờ vả ai đó. Đừng ngần ngại bởi đây cũng là cách thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh. Vì đến một lúc nào đó họ cũng cần đến sự giúp đỡ của bạn.

Hỏi lại những điều chưa rõ: Đây là cách bạn xác nhận thông tin cho chính xác. Đồng thời thể hiện sự quan tâm đến câu chuyện của mọi người.

Nhớ tên người đối diện: Bất chợt khi gặp một khách hàng hay đồng nghiệp, sếp mới bạn hãy dành một lời chào kèm theo tên họ. Bởi việc nhớ tên sẽ khiến người khác cho rằng họ cũng quan trọng với bạn.

Rèn luyện cách giao tiếp hay như thế nào?

Tập tán gẫu: Hãy bắt đầu câu chuyện giao tiếp bằng cách hỏi thăm qua lại, đưa những ví dụ minh họa tạo nên những câu chuyện thú vị, hài hước. Hoặc là chúng ta khai thác sở thích, tính cách, những vấn đề mà đối phương đang gặp phải. Tránh cách hỏi nhạt nhẽo rằng bạn ăn cơm chưa hay hôm nay bạn có gì vui không. 

Rèn luyện văn viết: Ngày nay, trong công việc mỗi người ít nhất cũng cần có kỹ năng viết cơ bản để giao tiếp qua email, tin nhắn. Do đó, bạn hãy rèn luyện kỹ năng viết dù không hay nhưng ít nhất lời văn cũng cần rành mạch và rõ nghĩa.

Tìm một người bạn đồng hành: Cần tìm cho mình những người bạn tâm giao để chỉ ra những sai sót của bạn. Mà họ là những người góp ý chân thành chứ không phải là những lời khen có cánh.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp đưa đến những cơ hội phát triển trong công việc. Do vậy, mỗi người hãy rèn luyện cách giao tiếp hay để gây ấn tượng và tạo dựng mối quan hệ với những người xung quanh.